Mức độ phổ biến của truyền hình tại Việt Nam Truyền hình ở Việt Nam

Văn hóa, lối sống

Những năm 70, 80, 90 thế kỷ 20, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện truyền thông còn hạn chế, thì nhu cầu giải trí thường nhật trở nên quá xa xỉ đối với nhiều người. Hiếm có hộ gia đình sở hữu được một chiếc ti vi đen trắng, nên những nhà này được coi là khá giả trong khu vực của mình thời điểm đó. Mỗi buổi tối, dân chúng thường tập trung ở các gia đình có ti vi để theo dõi các chương trình mình yêu thích. Các chương trình truyền hình, từ trung ương đến địa phương, hầu như chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. Trẻ em thường thích nhất chương trình Những bông hoa nhỏ cùng với các tiết mục ca, múa, kịch thiếu nhi và phim hoạt hình ngắn của Việt Nam và nước ngoài. Trong khi đó, người lớn lại yêu thích sân khấu và phim truyện. Trên truyền hình Việt từng xuất hiện nhiều bộ phim Việt Nam nổi tiếng như: Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,...; những tích chèo Quan âm Thị Kính, Kim Nham; tuồng Sơn Hậu, Ông già cõng vợ đi xem hội…; kịch Ông không phải là bố của tôi, Chát xình chát bùm…;sân khấu có cải lương, ca cổ, kịch... [59] hay các phim nước ngoài như: Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Nô tỳ Isaura, Đơn giản tôi là Maria[60], Người giàu cũng khóc[61], Oshin, Trở về Eden, Hồng Lâu Mộng,… Đặc biệt, vào những dịp có các sự kiện thể thao lớn như World Cup 1994, SEA Games 18, Euro 1996…, chiếc ti vi trở thành thỏi nam châm thu hút hàng triệu sự chú ý của khán giả.

Cùng với cảnh cả ngôi làng cùng tập trung xem ti vi, trong tiềm thức của nhiều thế hệ còn có hình ảnh của những chiếc ăngten, thứ gắn liền với một thời "vàng son" của truyền hình - truyền hình analog. Hình ảnh người đứng trên nóc nhà vừa xoay vừa chỉnh ăngten bất chấp thời tiết để có tín hiệu truyền hình tốt nhất, giao diện bảng màu gắn liền với truyền hình analog, hay màn hình nhiễu sóng với nhiều “hột é” đã trở thành ký ức khó phai của nhiều người.[62][63]

Sau này, khi công nghệ phát triển, đời sống được nâng cao, những chiếc ti vi màu dần thế chỗ ti vi đen trắng, ngày càng nhiều gia đình mua được ti vi. Những nếp sống trên vì thế cũng trở nên ít dần rồi không còn nữa. Ngày nay, nhiều gia đình sở hữu không dưới một chiếc ti vi màn hình phẳng và lớn với hàng trăm kênh khác nhau để lựa chọn, nội dung chương trình ngày càng đa dạng và ưu việt. Song do sự phát triển mạnh của các hình thức giải trí khác, đặc biệt là qua các nền tàng mạng xã hội như YouTube, Facebook nên không nhiều người giữ được thói quen xem truyền hình như trước đó.[60]

Máy thu hình (tivi)

Nguyệt san Thời Nay từng mô tả về chiếc ti vi như sau: “Máy truyền hình đã xuất hiện tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng... Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình, chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi - một danh từ mới - đã được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ. Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Chương trình được hâm mộ nhất là... cải lương và... đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”.[64]

Thời điểm đó, chiếc ti vi với giá thành đắt đỏ đã trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình. Việc có được chiếc tivi đã được coi là cả một gia tài đối với những gia đình sở hữu được nó, nên "làng nào chỉ cần có một đến hai chiếc ti vi là buổi tối người dân cả làng đến xem". Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất được nâng cao, những chiếc ti vi dần trở nên phổ biến hơn với người xem. Cho đến nay, máy truyền hình ngày càng được cải tiến, từ chiếc tivi LCD đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện từ năm 2003, hay những chiếc tivi HD 32 inch từ 2006 của LG, Samsung,... và hiện tại là những Smart TV, OLED TV hỗ trợ chuẩn hình ảnh 4K và cao hơn.[65]

Hạ tầng

Với việc độ phủ sóng truyền hình càng ngày được nâng cao, qua việc thành lập các trạm phát lại truyền hình ở các xã, phường, các Đài Truyền hình huyện.... tiếp phát sóng chương trình truyền hình trung ương & địa phương, và cũng có một số Đài Truyền hình địa phương lớn sẵn sàng ký kết hợp đồng với các Đài Truyền hình địa phương khác phát sóng chương trình truyền hình / tiếp phát chương trình truyền hình của đài địa phương đó trên kênh tần số riêng. Hay các đài truyền hình địa phương đua nhau ký kết hợp tác để phát sóng trên vệ tinh, để tăng độ phủ sóng, cùng với việc mạng truyền hình cáp phổ biến, phát triển,.... Do đó truyền hình càng dễ tiếp cận hơn với khán giả, qua mọi phương thức xem khác nhau: Di động, IPTV, internet, truyền hình cáp, DVB-T2....[66]

Chương trình truyền hình

Các chương trình truyền hình, bao gồm nhiều thể loại như tin tức, giải trí, văn hóa - văn nghệ, thể thao, thiếu nhi, khoa học - giáo dục, phóng sự - tài liệu..., cũng là một bộ phận quan trọng tạo nên độ phổ biến của truyền hình. Đồng thời, mức độ nổi bật và sự quan tâm chương trình của khán giả còn dựa vào việc truyền thông, quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng của nhà đài hay đơn vị sản xuất (thông qua quảng cáo, báo chí, mạng xã hội...) [67]

Tỉ lệ người xem

Mức độ quan tâm của khán giả đối với các chương trình truyền hình Việt Nam được đo bằng Rating (tỉ lệ người xem). Tại Việt Nam, công ty TNS Media trực thuộc Tập đoàn Kantar Media (Anh) là công ty đo lường khán giả truyền hình đầu tiên và từng nắm thế độc quyền cung cấp dữ liệu chỉ số đo lường khán giả trong thời gian dài.[68][69] Chính điều đó đã dẫn đến hàng loạt lùm xùm về sự thiếu minh bạch, không chính xác trong các chỉ số rating mà TNS đưa ra.[70][71]

Đến tháng 3 năm 2016, Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình thuộc Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố sự tham gia của mình vào thị trường đo rating, phá vỡ thế độc quyền của TNS. Cơ quan này cùng với Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đo kiểm AMI thiết lập nên hệ thống đo lường VIETNAM-TAM, phục vụ công tác quản lý của nhà nước đối với các kênh truyền hình và tạo ra nguồn thu từ việc bán các gói cung cấp rating cho các đài và công ty quảng cáo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Truyền hình ở Việt Nam https://vtv.vn/gioi-thieu/lich-su-phat-trien-20141... https://vtv.vn/truyen-hinh/ky-thuat-truyen-hinh-vi... https://web.archive.org/web/20031006174505/http://... http://home.earthlink.net/~bfwillia/television.htm... https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-50-nam-ngay-vtv... https://vtv.vn/truyen-hinh/vtv-giac-mo-lang-man-da... https://tienphong.vn/50-nam-vtv-tu-thu-cong-toi-4-... http://hoinhabaovietnam.vn/VTV-va-vai-net-ve-lich-... https://vtv.vn/45-nam-vtv/nhung-hinh-anh-doc-ve-he... http://ctvcamau.vn/upload/Giao_trinh_bao_chi_truye...